Theo Bệnh viện Bạch Mai, ung thư đại tràng – trực tràng (UTĐT – TT) là loại ung thư phổ biến, khối u ác tính xuất phát từ trong lòng hoặc thành của đại trực tràng. Tỷ lệ mắc bệnh ở các nước Tây Âu, Mỹ cao hơn ở các nước châu Á. Ở Việt Nam, (UTĐT – TT) đứng hàng thứ 5 ở cả hai giới sau ung thư phối, dạ dày, gan và ung thư vú.
Tại Hà Nội, tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi ở nam giới là 13,9 và ở nức là 10,1 trên 100.000 dân. Ở TP HCM tỷ lệ mắc ở nam giới là 12,5, ở nữ giới là 9,0 trên 100.000 dân.
Bác sĩ khuyên cách phòng bệnh ung thư đại trực tràng tốt nhất là nên ăn nhiều rau xanh, chất xơ, ít chất béo, đặc biệt hạn chế thức ăn lên men (dưa muối, cà muối)
Ung thư đại trực tràng là ung thư phát khởi nguyên thủy từ ruột già, là phần cuối cùng của ống tiêu hóa. Sau khi thức ăn được nhai, nuốt qua thực quản và dạ dày, thức ăn được tiêu hóa rồi đi xuống ruột non. Ruột non tiếp tục tiến trình tiêu hóa thức ăn rồi hấp thu các chất bổ dưỡng. Ruột non tiếp nối với ruột già, còn gọi là đại tràng.
Đoạn đầu của đại tràng có chức năng hấp thu nước cùng chất bổ dưỡng và là nơi chứa chất bã. Chất bã thành phân đi xuống trực tràng là đoạn cuối của ống tiêu hóa. Đại tràng chia thành 4 đoạn. Ung thư có thể khởi phát từ bất cứ đoạn nào trên đại tràng hoặc trực tràng. Ung thư xuất phát từ lớp trong cùng của thành ruột (niêm mạc đại trực tràng) sau đó xâm lấn ra ngoài các lớp khác của thành ruột.
Ung thư ở mỗi vị trí trên khung đại trực tràng sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau, thông thường nhất là có máu trong phân. Trong đa số các trường hợp ung thư đại trực tràng phát triển âm thầm trong nhiều năm.
Ngày nay, người ta còn biết ung thư khởi đầu bằng một tổn thương gọi là polip, 5 đến 10 hay 25 năm sau, polip trở thành ung thư. Cắt bỏ polip là cách phòng ngừa ung thư hữu hiệu nhất. Trên 95% các ung thư đại trực tràng là loại ung thư tế bào tuyến. Loại ung thư này bắt nguồn từ tế bào của niêm mạc ruột già.
Dấu hiệu nhận biết bệnh:
TS.BS Hoàng Đình Chân - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết: Ung thư đại tràng – trực tràng nhìn chung có các dấu hiệu sau: đầy bụng, đau bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, phân nhầy mũi. Hội chứng bán tắc ruột, tắc ruột thường gặp ở ung thư trực đại tràng trái, hội chứng lỵ hay gặp ở ung thư trực tràng.
TS Chân giải thích một trong các nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng – trực tràng là do chế độ ăn ít rau, nhiều chất béo, nhiều thịt, thức ăn lên men, ướp muối, xông khói, thức ăn có các gia vị, phụ gia thực phẩm độc hại, thức ăn nhiễm chất gây đột biến gen (thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất tăng trọng).
Ngoài ra còn do bệnh lý đại trực tràng như: viêm loét niêm mạc mạn tính, polip, bệnh đa polip tuyến gia đình.
Các phương pháp điều trị ung thư trực tràng
+ Phẫu thuật:
Các chuyên gia tiêu hóa cho biết, đây là lựa chọn đầu tiên trong điều trị UT ĐTT. Phẫu thuật cắt đoạn đại/trực tràng mang khối u – nối tận hay phẫu thuật Miles đối với các trường hợp ung thư trực tràng thấp.
Hiện nay, phẫu thuật nội soi ngày càng phát triển và có hiệu quả tương đương với việc mổ hở kinh điển song lại có hiệu quả vượt trội về mặt thẩm mỹ, giảm chi phí nằm viện và ít sử dụng thuốc giảm đau.
+ Hóa trị:
Phương pháp này giúp cải thiện tiên lượng sống còn của bệnh nhân và làm giảm nguy cơ tái phát bệnh sau mổ. Hóa chất được sử dụng thông dụng nhất là 5FU, capecitabine, irinotecan và oxaliplatin. Phác đồ FOLFOX hay FOLFIRI ± Bevacizumab được xem như là phác đồ chuẩn đầu tiên được áp dụng bởi hầu hết các BS ung thư.
+ Xạ trị:
Có hiệu quả trong ung thư trực tràng: giúp điều trị bệnh, giảm giai đoạn bệnh, giảm kích thước khối u, hoặc xạ trị chăm sóc giảm nhẹ.
Những tác dụng phụ của điều trị ung thư đại-trực tràng
Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, tác dụng phụ của điều trị ung thư phụ thuộc vào kiểu điều trị khác nhau ở từng bệnh nhân. Thông thường tác dụng phụ mang tính tạm thời. Bác sĩ và y tá có thể giải thích về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Bệnh nhân nên thông báo những tác dụng phụ nghiêm trọng với bác sĩ. Bác sĩ có thể gợi ý các cách để giảm nhẹ triệu chứng có thể xảy ra trong hoặc sau khi điều trị.
Phẫu thuật gây đau và nhạy cảm tạm thời ở vùng phẫu thuật. Phẫu thuật ung thư đại-trực tràng có thể gây phân lỏng hoặc táo bón tạm thời. Bệnh nhân được phẫu thuật mở thông đại tràng có thể bị kích thích ở vùng da quanh lỗ mở. Bác sĩ, y tá và bác sĩ chuyên khoa về mở thông ruột sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh tại chỗ và phòng chống hiện tượng kích thích và nhiễm khuẩn.
Khám định kỳ theo dõi gồm những gì
Theo dõi sau khi điều trị ung thư đại trực tràng là rất quan trọng. Khám định kỳ giúp phát hiện ra tất cả những thay đổi về sức khỏe. Nếu ung thư xuất hiện lại hay ung thư mới phát triển, nó có thể được điều trị ngay. Các thăm khám bao gồm khám lâm sàng, xét nghiệm máu trong phân, soi đại tràng, chụp X quang lồng ngực và các xét nghiệm cận lâm sàng. Giữa các lần khám định kỳ, bệnh nhân ung thư đại-trực tràng nên thông báo ngay với bác sĩ về tất cả những vấn đề sức khỏe khi chúng xuất hiện.
Cách phòng tránh
BS Hoàng Đình Chân khuyên cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện chế độ làm việc, sinh hoạt, thể dục thể thao điều đặn. Nên ăn nhiều rau xanh, chất xơ, ít chất béo, đặc biệt hạn chế thức ăn lên men (dưa muối, cà muối) và không dùng thực phẩm có chất phụ gia, chất màu độc hại. Tránh những chất gây đột biến gen nhiễm trong thức ăn: thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất tăng trọng. Đặc biệt, không lạm dụng rượu bia và các chất lên men khác. Nên đi khám sức khỏe nhất từ 6 tháng đến 1 năm để phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị sớm./.
Nguồn: vov.vn