Trà Gừng
1. Những lợi ích
Phòng ngừa ung thư
Gừng được biết đến là một loại thuốc chống viêm mạnh có thể ngăn ngừa sự hình thành tế bào ung thư của tuyến tụy, đại trực tràng, bàng quang và ung thư vú. Đây là một trong những lợi ích sức khỏe hàng đầu của trà gừng.
Cải thiện tiêu hóa
Gừng có chứa các chất shogaol giúp kích thích sự tiêu hóa và cải thiện sự hấp thu chất dinh dưỡng. Nó cũng giúp loại bỏ một số vấn đề về tiêu hóa. Do đó, trà gừng được coi là tốt nhất cho tiêu hóa.
Tăng cường lưu thông máu
Gừng giúp thúc đẩy tuần hoàn, do đó, chống lại bệnh tim mạch như huyết áp cao và cholesterol. Gừng cũng loại bỏ mảng bám khỏi động mạch và ngăn ngừa các cơn đau tim và đột qụy.
Tăng năng lượng
Thường xuyên tiêu thụ gừng có thể hỗ trợ nâng cao khả năng nhận thức và trí nhớ; làm giảm stress, oxy hóa và viêm trong cơ thể. Nó cũng giúp phụ nữ trung niên điều trị được chứng “sương mù não”.
Chất chống viêm
Gừng được biết đến như là một chất chống viêm mạnh chống lại đau khớp và đau cơ xảy ra do viêm. Thường xuyên ăn gừng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa các nhiễm trùng trong cơ thể. Trà gừng có thể giúp phòng và điều trị nhiều bệnh như cảm cúm, cảm lạnh…
2. Lưu ý khi uống trà gừng
Một cốc trà gừng nhỏ mỗi ngày sẽ rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên, nếu tiêu thụ trà gừng quá nhiều lại có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.
Gây ợ nóng. Sai lầm là mọi người thường nghĩ trà gừng không gây ợ nóng. Nếu như uống quá nhiều trà gừng sẽ dẫn đến tình trạng nồng độ axit trong cơ thể tăng nhanh, gây nhiều triệu chứng bất lợi cho hệ tiêu hóa và ợ nóng là trường hợp phổ biến nhất.
Gây chảy máu trong cơ thể. Không chỉ gây ra tình trạng ợ nóng mà khi tiêu thụ quá nhiều trà gừng còn làm tăng nguy cơ gây chảy máu và rối loạn bên trong cơ thể. Gừng có tính nóng nên có nguy cơ dẫn đến việc xuất huyết tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, gừng còn có thể gây đông máu, ảnh hưởng đến hoạt động của các tiểu cầu trong máu nếu sử dụng với một lượng quá nhiều.
Gây phản ứng với thuốc. Tiêu thụ quá nhiều trà gừng trong khi đang sử dụng thuốc có thể sẽ làm giảm tác dụng của thuốc hoặc thậm chí là gây ra những phản ứng ngược lại, dẫn đến nhiều tình trạng nguy hiểm.
Ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai. Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú thì không nên sử dụng trà gừng. Trà gừng không tốt cho nội tiết tố giới tính của thai nhi và thậm chí, nguy hiểm hơn là trà gừng có thể gây co thắt tử cung, làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non.
Hạ đường huyết. Vì gừng có tác dụng giảm lượng đường trong máu, những người bị hạ đường huyết nên tránh tiêu thụ trà gừng.
Củ Gừng
Dược tính và công dụng
Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Trong hầu hết các thang thuốc Đông y, dù bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, các thầy thuốc vẫn thường dùng từ 3 đến 5 lát gừng sống. Ngoài tác dụng hạn chế bớt tính lạnh của các vị thuốc hàn, cách phối hợp này còn giúp cho tỳ vị dễ hấp thu thuốc và người bệnh khỏi nôn ra đối với những thuốc khó uống. Ngoài ra tùy theo hình thức sử dụng, gừng có nhiều công dụng khác nhau. Gừng sống còn gọi là sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Gừng khô còn gọi là can khương, có tính nóng hơn sinh khương, có thể làm ấm tỳ vị. Gừng đốt cháy tồn tính còn gọi là hắc khương. Hắc khương có vị đắng, thường được tẩm đồng tiện, có thể làm ấm can thận, giáng hư hỏa. Vỏ gừng được gọi là khương bì có tác dụng lợi tiểu. Trong kỹ thuật bào chế, gừng cũng có thể giúp cho thầy thuốc đạt được một số mục đích quan trọng. Sinh địa nấu với gừng sẽ hạn chế bớt tính mát. Bán hạ chế với gừng để giải độc. Một số loại thuốc khác như sâm, đinh lăng... cũng thường được tẩm gừng, sao qua để tăng tính ấm và dẫn vào phế vị.đem lùi: ổi khương...
MỘT SỐ BÀI THUỐC HAY
Chữa trúng phong cấm khẩu: Nước gừng sống 30ml. Cậy răng đổ vào miệng nạn nhân từng thìa. Bã gừng đắp hoặc xát vào lòng bàn tay, bàn chân.
Chữa đau bụng do cảm lạnh: Gừng nướng 50g lót giấy hoặc vải đắp dưới rốn (quá huyệt đan điền).
Chữa cảm tả: Ðau bụng, đi ngoài có khi toàn nước (không thối) có khi nôn mửa (thượng thổ, hạ tả) cho uống nước gừng lùi (ổi khương) 30ml (nướng củ gừng tươi 50g vừa chín, cạo vỏ, giã nát, vắt nước, thêm nước sôi để vắt được 30ml). Uống bằng nước cháo hoặc nước cơm.
Chữa nôn, mửa không cầm (kể cả phụ nữ có thai): Gừng tươi 10g. Bán hạ 10g sắc nước, uống làm 2-3 lần trong ngày.
Chữa dị ứng do cua, cá biển (các loại hải sản): Gừng tươi giã nát 20g. Tía tô thái nhỏ 50g, sắc lấy 100ml thuốc cho bệnh nhân uống rồi sắc tiếp nước thứ 2 cho bệnh nhân uống 2 giờ sau.
Chữa động kinh mãi không tỉnh: Gừng tươi 10g giã nát. Sinh bạch phàn (phèn chua cục) 9g, trộn kỹ thành hồ rồi thêm 20ml nước đổ vào miệng nạn nhân.
Chữa băng huyết, thổ huyết, tiểu ra máu (do hư hàn): Thán khương tán bột, mỗi lần uống 3-4g, uống với nước còn ấm.
Chữa mạch yếu, tứ chi lạnh (dương hư): Can khương 12g, phụ tử chế 10g, cam thảo chích 3g. Sắc uống.
Chữa viêm thận cấp trẻ em: Vỏ gừng tươi 5g, ma hoàng 3g, liên kiều 13g, xích tiểu đậu 40g, sắc nước uống ngày 1 thang.
Chữa ngộ độc phụ tử, ô đầu (nôn mửa nhiều, tim yếu, huyết áp hạ): Gừng tươi 16g, cam thảo bắc 16g, kim ngân hoa 70g, đậu xanh hạt xay nát 70g, sắc nước, pha thêm đường uống.
Chữa teo não lan tỏa: Gừng tươi 10g, quế chi tiêm 20g, đương quy 20g, ngưu tất 20g, hoàng kỳ 15g, đại táo 5 quả, bạch thược 50g. Sắc uống ngày 1 thang.
Cây Gừng
MỘT SỐ BÀI THUỐC CHỮA BỆNH THÔNG THƯỜNG
Chữa ngoại cảm phong hàn, dùng một trong các bài sau:
Bài 1: Gừng sống 10g, lá tía tô tươi 30g, phòng phong 10g. Sắc 2 lần lấy 1 bát thuốc (250ml), chia làm 2 lần uống trong ngày.
Bài 2: Cháo giải cảm: Gừng sống thái chỉ 10g, tía tô rửa sạch thái nhỏ 40g, hành tăm xắt nhỏ, tất cả cho vào bát to, trứng gà tươi 1 quả, bỏ vỏ - cho trứng lên trên - cháo loãng đang sôi dội cho trứng chín - đảo đều, ăn nóng mỗi ngày 1 lần.
Phòng, chống cảm lạnh: Người yếu, người cao tuổi khi cần ra ngoài trời lạnh hoặc tắm gội khi trời lạnh. Cắt 1 lát to gừng tươi cạo sạch vỏ (15g) nhấm nhẹ cho tiết chất cay. Khi quen cay thì nhai nuốt luôn (có phản ứng nấc là tốt).
Phòng chống nôn khi đi tàu, xe: Nhai 1 miếng gừng tươi cạo vỏ (15g) trước khi lên xe 40 phút. Khi lên xe ngậm và thỉnh thoảng nhấm nhẹ 1 miếng gừng to cho tiết chất cay.
Kiêng kỵ: Người âm hư, có nhiệt không dùng can khương.
theo DS Trần Xuân Thuyết