Bệnh ung thư có tần suất mắc cao
Theo Tổ chức
Ung thư toàn cầu Globocan 2019 ung thư đại trực tràng hiện nay đứng hàng thứ 3 thế giới và thứ 5 ở Việt Nam về tần suất phổ biến của bệnh.
Đại trực tràng hay còn gọi là ruột già, là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa, nhiệm vụ của đại trực tràng là tiếp nhận và bài tiết các thức ăn không tiêu hóa được (phân).
Ung thư xuất hiện thường gặp nhất ở trực tràng với 25%.
Nguyên nhân chính gây bệnh chưa xác định được, tuy nhiên, người ta nhận thấy có nhiều yếu tố nguy cơ:
Lớn tuổi; nam giới; chế độ ăn nhiều mỡ và thịt, ít chất xơ; béo phì; hút thuốc lá; polype đại tràng, viêm loét đại tràng xuất huyết hay bệnh Crohn, tiền căn gia đình có người ung thư đại trực tràng.
Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Bệnh nhân có thể thấy một hay một số triệu chứng sau khi khối ung thư phát triển:
- Hoạt động ruột thay đổi liên tục (tiêu chảy hoặc táo bón).
- Trong ruột khó chịu, không thoải mái.
- Trong phân có máu (màu đỏ tươi hoặc sẫm màu).
- Phân nhỏ hơn so với bình thường.
- Thường xuyên thấy đau hoặc co thắt ruột do đầy hơi, hoặc cảm giác đầy bụng hoặc chướng bụng
- Giảm cân không rõ lý do, cơ thể mệt mỏi.
Chẩn đoán
Nội soi đại trực tràng: là xét nghiệm quan trọng nhất khi nghi ngờ có ung thư đại trực tràng. Qua nội soi, bác sĩ có thể biết được tương đối vị trí, kích thước khối u và lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán chắc chắn khối u đó có phải là
ung thư hay không.
Ngoài ra, người bệnh cần được thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm khác như: chụp cắt lớp điện toán (CT-Scan), siêu âm bụng, X-quang phổi, điện tim, xét nghiệm máu…giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn để tiến hành điều trị.
Điều trị
Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức bao gồm phẫu thuật kết hợp với hóa trị hoặc/và xạ trị.
Phẫu thuật là điều trị cơ bản nhất, khối u phải được cắt bỏ đồng thời với các hạch bạch huyết di căn.
Phẫu thuật ung thư đại trực tràng bao gồm: phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi và tiến bộ nhất hiện tại là phẫu thuật nội soi ứng dụng robot. Với phẫu thuật này, bác sĩ quan sát rõ hơn các cơ quan trong ổ bụng, giúp cắt lọc các hạch di căn hiệu quả hơn và bảo tồn các cơ quan khác, từ đó người bệnh sẽ hồi phục nhanh hơn, giảm tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật.
Điều trị hỗ trợ: bao gồm hóa trị và xạ trị, có thể áp dụng trước hoặc sau phẫu thuật, tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể.
Tầm soát
Ung thư trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác.Vì vậy, để có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm mọi người cần chủ động đi tầm soát, khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là với các đối tượng có nguy cơ.
Hiện có 3 phương pháp thường được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng.
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: xét nghiệm có độ nhạy phát hiện ung thư khoảng 70 - 80%, tuy nhiên, đây là xét nghiệm không đặc hiệu, nghĩa là có dương tính cũng chưa chắc là ung thư đại trực tràng mà có thể một bệnh lý khác ở đường tiêu hóa. Một khi phát hiện có máu trong phân, người bệnh sẽ được chỉ định để được nội soi đại trực tràng.
- Nội soi đại trực tràng ảo: sử dụng CT-Scan đa lát cắt để thực hiện trên người bệnh đã được xổ ruột. Máy điện toán sẽ dựng hình lại lòng đại tràng.Phương pháp này có thể phát hiện phần lớn các polyp và khối u trong lòng đại tràng và trực tràng.Sau khi nội soi đại tràng ảo phát hiện ra polyp thì phải nội soi đại tràng thật để cắt polyps, sinh thiết khối u để có chẩn đoán xác định.
Nội soi đại trực tràng: là phương pháp tầm soát chính xác nhất. Qua nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ phát hiện các bệnh lý như trĩ, polyp, viêm loét đại trực tràng… từ đó sẽ có xử trí phù hợp như cắt bỏ khối polyp trong lúc nội soi đồng thời sinh thiết polyp để chẩn đoán xác định ung thư.
Lưu ý: Để chuẩn bị nội soi đại trực tràng, người bệnh cần nhịn ăn và được dùng thuốc xổ để làm sạch ruột.
Mỗi đối tượng nguy cơ và độ tuổi khác nhau sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện các biện pháp tầm soát khác nhau để có hiệu quả tốt nhất.
Phòng ngừa
- Giảm chất béo trong khẩu phần ăn.
- Tăng cường hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn hàng ngày.
- Hạn chế thức ăn có nhiều muối, thức ăn lên men, xông khói.
- Sau 50 tuổi nên xét nghiệm máu trong phân, soi trực tràng, đại tràng mỗi 3 - 5 năm một lần.
- Tránh những chất gây đột biến gien như dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trọng trong thực phẩm.
- Không lạm dụng rượu, bia và các chất lên men rượu khác.