Ung thư túi mật là loại ung thư hiếm gặp nhưng điều trị khó do ung thư lan rộng nhanh và thường di căn vào các cơ quan kế cận, nhất là vào gan làm cho việc cắt bỏ vô cùng khó khăn. Về lâm sàng không có một triệu chứng đặc hiệu nào giúp chẩn đoán được ung thư túi mật.
Những ung thư túi mật khi còn nhỏ thường là không có triệu chứng, nó có thể được phát hiện tình cờ trong mảnh sinh thiết túi mật do viêm và sỏi. Khi ung thư đường mật đã có triệu chứng thì thường gặp nhất là đau hạ sườn phải thường xuất hiện trong 3/4 trường hợp hoặc đau vùng 1/4 trên bên phải, kế đến là bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vàng da và gầy sút hoặc bệnh nhân nhập viện trong tình trạng buồn nôn và nôn mửa.
Triệu chứng bụng cổ trướng hoặc các dấu hiệu của một ung thư màng bụng hoặc gan to do di căn ung thư xuất hiện trong khoảng 10% trường hợp. Do phần lớn trường hợp ung thư túi mật không được chẩn đoán sớm, do đó việc cắt bỏ để điều trị triệt để chỉ thực hiện được trong khoảng 15-30% trường hợp và hiện nay vẫn chưa có một sự thống nhất hoàn toàn trong việc cắt bỏ đến một mức độ nào.
Sau cắt bỏ túi mật có thể bổ sung bằng chiếu xạ vùng quanh túi mật. Trong trường hợp ung thư túi mật không cắt bỏ được mà có kèm theo vàng da thì một điều trị tạm thời được đề nghị là: đặt ống dẫn lưu qua nội soi hoặc qua gan hoặc xạ trị liệu cũng làm giảm đau và giảm vàng da vàng mắt trong 50% trường hợp, tuy nhiên nó cũng không làm cải thiện được thời gian sống còn của bệnh nhân.
BS. Thanh Xuân/ Nguồn: SKDS