Ung thư vòm họng là căn bệnh ung thư ác tính xuất hiện khi một hoặc một vài tế bào biểu mô trong vòm họng bị biến đổi gen, tạo thành khối u phát triển trong vòm họng của người mà ít ai biết dấu hiệu ban đầu của nó
Ung thư vòm họng rất nguy hiểm bởi căn bệnh này rất khó phát hiện nhưng lại có diễn biến rất nhanh khiến cho người bệnh không kịp trở tay.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư vòm họng so với các bệnh ung thư khác là khá cao, lên tới 1- - 12%.
Trong số đó có đến 70% bệnh nhân mắc ung thư vòm họng phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn cuối khiến cho việc điều trị dành lại sự sống cho bệnh nhân hiệu quả rất thấp.
1. Nguyên nhân gây ung thư vòm họng:
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vòm họng. Tuy nhiên, có thể khoanh vùng được những yếu tố nguy cơ cao gây ra căn bệnh này.
- Bị nhiễm virus EBV hoặc HPV
- Thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hoá chất (đặc biệt là các hydrocacbon thơm), ăn nhiều cá muối và các thức ăn lên men (dưa, trứng, các loại củ)...
- Uống nhiều rượu, hút nhiều thuốc lá
- Do di truyền
- Do tuổi tác
Như vậy, nếu bạn là người hút thuốc lá, uống bia rượu hoặc thường xuyên ăn thực phẩm lên men như dưa, cà muối, thực phẩm chứa nhiều muối như cá muối, nước mắm có chứa nhiều chất nitrosamin... thì bạn có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn bình thường.
2. Những dấu hiệu nhận biết sớm ung thư vòm họng:
Ung thư vòm họng là căn bệnh phát triển âm thầm hầu như không để lại triệu chứng gì đáng kể.
Khi mới hình thành, căn bệnh này thường "vay mượn" triệu chứng của nhiều bệnh liên quan đến tai mũi họng như bệnh cảm cúm hoặc bệnh nội khoa về thần kinh, mạch máu khiến người bệnh thường chủ quan bỏ qua.
Vì vậy, hiểu rõ những triệu chứng sớm của ung thư vòm họng sẽ giúp bạn nhanh chóng phát hiện được căn bệnh nguy hiểm này.
Những triệu chứng giai đoạn đầu của ung thư vòm họng gồm có:
- Đau đầu: Người bệnh cảm thấy đau đầu âm ỉ từng cơn.
- Ù tai: Người bệnh thường bị ù một bên tai, mức độ ù khiến cho người bệnh cảm thấy tiếng trầm như tiếng ve kêu.
- Ngạt mũi một bên, lúc đầu ngạt từng lúc, kèm theo chảy máu mũi.
- Khàn tiếng kèm theo khó nuốt kéo dài không rõ nguyên nhân. Nếu triệu chứng này kéo dài 3 tuần trở nên mà không khỏi thì người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa để tầm soát bệnh ung thư ngay.
Các triệu chứng trên tuy dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác nhưng có thể phân biệt là nó có 1 đặc điểm chung của ung thư vòm họng là thường ở cùng 1 bên, tăng dần và dùng thuốc điều trị thì không đỡ.
Những triệu chứng muộn của ung thư vòm họng:
- Đau đầu: Cảm thấy đau đầu dữ dội, đau liên tục, các cơn đau lan từ nửa đầu bên này sang nửa đầu bên kia.
- Ù tai: Cảm thấy ù tai liên tục kèm theo thính lực giảm nghiêm trọng, khả năng nghe kém. Nếu đi khám có thể phát hiện ra tổn thương thực thể màng nhĩ bên bị bệnh.
- Ngạt mũi: Người bệnh cảm thấy ngạt mũi kèm theo liên tục chảy mủ mũi. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn di căn, có thể thấy hiện tượng chảy mủ kèm theo máu.
- Nổi hạch góc hàm: Đây là vị trí di căn của hạch hay gặp nhất, bằng cảm quan thì có thể nhận thấy hạch lúc đầu nhỏ, rắn, sau đó hạch to lên và lan sang các vị trí khác.
Ở một số bệnh nhân, có thể thấy hiện tượng hạch góc hàm nổi trước khi xuất hiện những dấu hiệu khác.
- Liệt các dây thần kinh sọ não: Khi khối u lan vào nền sọ sẽ gây tổn thương các dây thần kinh sọ não. Các dấu hiệu thường gặp như lác mắt, nhìn đôi, tê mặt, vẹo lưỡi, muộn hơn có thể gặp dấu hiệu nuốt sặc...
3. Cách phòng bệnh ung thư vòm họng:
Dù chưa có cách phòng tránh đặc hiệu căn bệnh ung thư vòm họng nhưng các nhà khoa học vẫn khuyên chúng ta nên có một lối sống sinh hoạt và ăn uống lành mạnh để phòng tránh những yếu tố nguy cơ cao gây ra căn bệnh này, cụ thể:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, việc từ bỏ thuốc lá làm giảm đáng kể nguy cơ gây ung thư vòm họng. Nếu bạn không hút thuốc lá, bạn đã tránh xa được một tác nhân rất lớn gây nên căn bệnh này.
- Hạn chế uống rượu bia và các đồ uống có cồn.
- Hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều muối như thịt muối, cá muối, các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối...
- Không ăn đồ ăn quá nóng có thể gây tổn thương hầu họng dẫn đến ung thư vòm họng.
- Tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.
Theo: soha
Tham khảo thêm:
1. Gần đây, tôi thấy cổ họng đau bất thường, khó nuốt. Tôi rất lo lắng rằng không biết có phải đã bị ung thư vòm họng hay không? Rất mong bác sĩ tư vấn.
Vũ Thiên Hà (Nghệ An)
Ung thư vòm họng đứng hàng thứ 5 trong số các ung thư hay gặp. Thế nhưng các triệu chứng lại dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tai - mũi - họng thông thường nên rất dễ bị bỏ qua, vì vậy việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời rất ít. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ thấy đau đầu mà uống thuốc không khỏi, ngạt mũi liên tục, chảy mũi, ù tai. Thông thường, khi người bệnh thấy xuất hiện hạch ở cổ và hạch dưới hàm thì mới đến khám (đây là giai đoạn phát bệnh). Ở giai đoạn muộn, người bệnh nhức đầu liên tục, có lúc đau dữ dội. Ù tai tăng dần dẫn tới nghe kém hoặc điếc. Mũi ngạt nặng liên tục và thường có chảy máu mũi. Hiện nay người ta cho rằng 70% nguyên nhân ung thư vòm họng là do yếu tố ngoại lai, còn 30% do yếu tố nội tại và do yếu tố di truyền. Để phòng bệnh, bạn cần phải có chế độ ăn hợp lý: giảm mỡ động vật, ít ăn thịt thay bằng rau, quả có nhiều vitamin C, E. Nếu thấy dấu hiệu bất thường, phải tới bác sĩ chuyên khoa khám, điều trị.
BS. Nguyễn Hải
Theo:SKDS
2. Tôi năm nay 27 tuổi, gần đây tôi thấy một bên cổ nổi hạch và đã đi khám, làm một số xét nghiệm. Bác sĩ cho biết tôi bị ung thư vòm họng giai đoạn khu trú. Xin hỏi, bệnh này do nguyên nhân nào, khả năng chữa trị có khả quan không?
Phạm Xuân Tùng (Nghệ An)
Hiện nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến ung thư vòm họng vẫn chưa được biết nhưng các nhà khoa học đã khẳng định một số yếu tố liên quan như môi trường, do virut Epstein Barr (EBV), do di truyền hoặc kết hợp cả những lý do trên. Độ tuổi mắc bệnh thường từ 20 - 65 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Những biểu hiện của ung thư vòm họng không đặc trưng nên người bệnh thường chủ quan, phần lớn bệnh nhân đến khám khi nổi hạch cổ. Hạch điển hình nhìn thấy ở sau góc hàm, lúc đầu nhỏ, di động sau to dần và cố định dính vào cơ da, hạch cứng, ấn không đau. Phương pháp điều trị chủ yếu là xạ trị, phẫu thuật nạo vét hạch cổ trước hoặc sau xạ trị, hóa trị liệu (áp dụng đối với ung thư biểu mô không biệt hóa hoặc hạch cổ đã lan rộng và có di căn xa), miễn dịch trị liệu nhằm tăng sức đề kháng và hỗ trợ xạ trị. Trong trường hợp của bạn, bệnh đang ở giai đoạn khu trú, có tiến triển chậm, nếu được điều trị kịp thời, đúng phác đồ có thể khỏi bệnh nên bạn đừng quá lo lắng mà nên lạc quan, điều này sẽ hỗ trợ nhiều cho bạn trong quá trình điều trị.
BS. Nguyễn An
Nguồn: dongtayy.com