Polyp túi mật là thuật ngữ chuyên môn y học để mô tả các hình thái tổ chức xuất phát từ thành túi mật phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Các hình thái tổ chức có bản chất cấu trúc khác nhau, có thể là lành tính (không phải ung thư) hoặc không lành tính (ung thư). Trên 95% polyp túi mật là tổ chức lành tính, trong đó thường gặp nhất (40-70%) là cholesterol polyp (cholesterol là chất béo có mặt ở màng tế bào và lưu hành trong máu với một nồng độ nhất định), tiếp đến là polyp hình thành do viêm, polyp hình thành do phát triển tăng sinh tổ chức tuyến, polyp có bản chất là tổ chức mỡ, tổ chức cơ mỡ, tổ chức cơ tuyến, dị hình mạch máu …….
Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp trong túi mật với kích thước nhỏ hơn 10 mm. Một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật hoặc kích thước polyp lên đến 20-40 mm, hay vừa có polyp-vừa có sỏi túi mật. Đa phần các trường hợp polyp túi mật không có biểu hiện triệu chứng và được phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hay đi khám vì các lý do khác. Chỉ khoảng 6-7% bệnh nhân polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng, thường gặp nhất là đau tức dưới sườn phải hay đau vùng trên rốn, một số ít có biểu hiện buồn nôn – nôn, ăn chậm tiêu và co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải.
Rất nhiều các yếu tố thuận lợi đối với việc hình thành polyp túi mật được quan tâm tìm hiểu như: chức năng gan mật, nồng độ đường máu, nồng độ mỡ máu, béo phì, thói quen ăn uống, nhiễm vi rút viêm gan.. ….nhưng trên thực tế chưa tìm thấy minh chứng cụ thể mối tương quan giữa các yếu tố đó với sự hình thành polyp túi mật. Hiện nay với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, siêu âm nội soi, chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán polyp túi mật.
95% polyp túi mật có bản chất lành tính (không ung thư), do vậy người bệnh không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật, hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với polyp túi mật. Túi mật là một cấu thành của hệ thống đường dẫn mật, có vai trò tham gia điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn, do vậy không thể tùy tiện tiến hành cắt bỏ khi chưa có chỉ định.
Trên thực tiễn một điều khiến tất cả những người có polyp túi mật quan tâm: liệu polyp túi mật của tôi có tiến triển thành ung thư hay không. Đây chính là vấn đề người thầy thuốc cần lưu tâm và tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân polyp túi mật. Nếu bạn bị polyp túi mật, khi đi khám bạn hãy đề nghị người thầy thuốc chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật trả lời các câu hỏi sau:
• Tôi nên khám theo dõi định kỳ bao nhiêu lâu một lần (3 tháng/1 lần, 6 tháng/1 lần hay 12 tháng/1 lần)
• Tôi có 01 polyp trong túi mật hay nhiều polyp trong túi mật
• Kích thước của polyp là bao nhiêu, nếu trong trường hợp có nhiều polyp thì kích thước của polyp lớn nhất là bao nhiêu
• Tình trạng thành túi mật của tôi như thế nào
• Tôi có bị sỏi túi mật kèm theo với polyp túi mật không
• Polyp túi mật của tôi có cuống hay không có cuống
• Nếu kích thước polyp túi mật của tôi lớn hơn 10 mm thì cần làm thêm các xét nghiệm hữu ích nào
• Nhiều bác sĩ nói kích thước polyp túi mật nhỏ hơn 10 mm thì không có khả năng nguy cơ bị ung thư hóa, điều đó có đúng vậy không
Dựa trên các kết quả thăm khám lâm sàng và bằng phương tiện chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu người thầy thuốc chuyên khoa sẽ đưa ra các câu trả lời và tư vấn đúng đắn cho bạn, giúp bạn không nên quá lo lắng cũng như không tiến hành điều trị cắt bỏ túi mật khi chưa cần thiết.
TS. BS. Bùi Xuân Trường
Chuyên khoa: Tiêu hóa – Gan mật – Viêm gan
Dự án Bệnh viện Đa khoa Khách sạn Quốc tế VinMec, Tập đoàn VinGroup